Tranh thủ những ngày nắng đẹp, các đơn vị, tổ đội của Công ty CP Than Cọc 6, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ở TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh huy động toàn bộ lực lượng, máy móc, trang thiết bị để hút bùn, nước và bốc xúc đất đá ở độ sâu khoảng -275m so với mực nước biển. Đây được được coi là mỏ than lộ thiên sâu nhất Đông Nam Á hiện vẫn còn khai thác.
Khó khăn bủa vây
Tranh thủ những ngày nắng đẹp, các đơn vị, tổ đội của Công ty CP Than Cọc 6 huy động toàn bộ lực lượng, máy móc, trang thiết bị để hút bùn, nước và bốc xúc đất đá ở độ sâu khoảng -275m so với mực nước biển.
Trước đó không lâu, công ty đã khai thác than cũng ở vị trí này. Gần 600.000 tấn than nguyên khai đã được đưa lên mặt đất, nhưng chỉ sau vài trận mưa lớn, hàng trăm nghìn tấn đất, đá từ phía trên đã vùi lấp toàn bộ mặt bằng. Để trở lại mặt bằng cũ và tiếp tục khai thác than, công ty ước tính phải bốc xúc khoảng 350.000m3 đất đá.
Theo anh Nguyễn Mạnh Quyết - công nhân Tổ bơm moong, thuộc Phân xưởng cơ điện - để đưa được nước và bùn từ đáy moong sâu lên mặt đất, công ty bố trí 4 máy bơm, công suất 1.400m3/giờ và hoạt động suốt ngày đêm...
“Mùa hè, dưới moong sâu như chảo lửa, ngột ngạt. Chúng tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để cùng các đơn vị khác hạ moong (bốc xúc đất, đá xuống vị trí khai thác than)” - anh Quyết cho biết.
Theo anh Lục A Kim - Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, thuộc Phân xưởng cơ điện - kể cả lúc thời tiết đẹp thì cũng thường xuyên xuất hiện các sự cố phức tạp. Có những lúc phải lội, thậm chí bơi ra giữa hồ nước để nối các ống bơm bị tuột hoặc đứt…
Trong khi các nhóm của anh Kim, anh Quyết đang căng mình xử lý nước, bùn thì những chuyến xe chuyên dụng trọng tải lớn vẫn hối hả đưa khối lượng đất, đá khổng lồ từ đáy moong sâu lên tới những điểm đổ thải ở phía trên; nhóm thợ điện miệt mài thay, kéo thêm các đường dây để đảm bảo điện thông suốt cho hoạt động sản xuất.
“Nếu thời tiết thuận lợi thì nhanh nhất cũng phải nửa tháng nữa mới tiếp cận được mức mặt bằng khai thác cũ, nếu gặp một trận mưa lớn, kéo dài là có thể phải làm lại từ đầu” - một cán bộ công ty chia sẻ.
Không chỉ ở dưới moong, mà ở nhiều vị trí cheo leo, vắt vẻo, trong đó có mức - 160m có hiện tượng tụt lở đất, đá xuống đáy moong nên công ty đang tiếp tục huy động nhân lực, máy móc để xử lý. Việc này cũng khiến khối lượng đất, đá phải bốc xúc trong tháng 10 tăng cao, đồng thời làm chậm tiếm độ mở các diện khai thác than ở phía trên.
Hiện, hệ số bóc đất, đá để khai thác một tấn than ở Công ty CP Than Cọc 6 là cao nhất TKV, với mức bóc 16-17m3/tấn, trong khi mức trung bình ở tập đoàn là từ 11-12m3/tấn.
Phát huy “Kỷ luật - đồng tâm”
Từng là một trong những mỏ than có sản lượng lớn nhất TKV, đến nay vẫn là đơn vị sản xuất tổng lượng than nguyên khai lớn nhất của TKV trong hơn 60 năm thành lập, nhưng hiện Công ty CP Than Cọc 6 lại là đơn vị khai thác than khó khăn nhất của tập đoàn.
Thời cao điểm, có năm sản lượng than khai thác của công ty đạt hơn 3 triệu tấn, ở mức khai thác -150m. Tổng sản lượng khai thác than nguyên khai của công ty trong hơn 60 năm qua ước đạt hơn 105 triệu tấn - cao nhất TKV. Tuy nhiên, càng xuống sâu tình hình khai thác càng khó khăn, sản lượng giảm dần. Ở mức khai thác -300m, lòng moong hẹp, lượng nước bùn cực lớn kể cả khi không có mưa, nên chỉ tiêu trong năm 2023 được điều chỉnh giảm vài lần, từ khoảng 1,5 triệu tấn nguyên khai xuống hiện nay còn khoảng 860.000 tấn.
Ước tính, 10 tháng đầu năm, sản lượng than nguyên khai của công ty mới đạt khoảng 650.000 tấn.
Theo bà Trần Thị Minh Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Cọc 6 – từ lâu, gần 1.900 cán bộ, công nhân viên chức, lao động của công ty đã xác định được những khó khăn, thách thức này.
“Khó khăn rất lớn nhưng những người thợ mỏ không dao động và tìm mọi cách vượt lên, bằng truyền thống “kỷ luật - đồng tâm” của ngành than, bằng sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và đồng cảm. Điều đó đáng quý vô cùng” - bà Hồng chia sẻ.